CÔNG BỐ THÔNG TIN QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG TRUNG TÂM QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG MIỀN BẮC - CỤC KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Tổng quan Chất thải rắn sinh hoạt
2023-11-13 12:06:41
Tổng quan Chất thải rắn sinh hoạt
Tương tự các quốc gia đang phát triển và trong khu vực, các nguồn phát sinh CTRSH ở Việt Nam phát sinh từ hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở và khu vực công cộng, dịch vụ công cộng và các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Đặc trưng CTR sinh hoạt ở Việt Nam có hàm lượng hữu cơ cao (50-60%). Ngoài các thành phần chủ yếu là các thành phần hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn...) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại...), CTRSH còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải... Trong những năm gần đây, chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng nhựa, túi ni lông có xu hướng gia tăng đang là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác xử lý CTRSH ở Việt Nam.

Năm 2022, tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 48/63 tỉnh/thành phố khoảng 48,5 nghìn tấn/ngày (trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 26,1 nghìn tấn/ngày và khu vực nông thôn phát sinh khoảng 22,4 nghìn tấn/ngày. Tỷ lệ CTR sinh hoạt được xử lý tại đô thị trung bình đạt khoảng 96,23%; tại khu vực nông thôn trung bình đạt khoảng 71% (Báo cáo công tác BVMT 2022 của Chính phủ).
Ước tính lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình khoảng 10-16% mỗi năm. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2016-2022.
Diễn biến tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom, xử lý giai đoạn 2016-2022
Dịch vụ thu gom đã được mở rộng tới các đô thị loại V. Một số đô thị đặc biệt, đô thị loại I như Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng có tỷ lệ thu gom khu vực nội thành đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn thấp. Tỷ lệ thu gom tại các vùng nông thôn ven đô hoặc thị trấn, thị tứ đạt tỷ lệ khoảng 60-80%, còn tại một số nơi vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt dưới 10%.
Việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý. Hiện công tác phân loại CTR tại ngồn mới được thực hiện thí điểm tại một số khu vực của một số đô thị lớn.
Tỷ lệ tái chế CTR sinh hoạt hiện vẫn còn thấp, khoảng 8-12% CTR sinh hoạt đô thị và 3,24% đối với CTR sinh hoạt vùng nông thôn (Ban Cán sự Đảng Bộ TNMT, 2018). Một số công nghệ tái chế chất thải như chế biến phân vi sinh, viên nhiên liệu hay đốt thu hồi năng lượng cũng đã được triển khai.
Hiện nay, các dự án xử lý CTRSH tại Việt Nam đang áp dụng các công nghệ chôn lấp, công nghệ đốt rác không thu hồi nhiệt, công nghệ phân loại và ủ phân compost, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng (bao gồm quá trình đốt rác hoặc sinh khối, để tạo ra điện, nhiên liệu sinh học hoặc nhiệt cho các mục đích sử dụng khác) và một số công nghệ khác như tạo viên nén năng lượng RDF, khí hóa, nhiệt hóa khác.
Quy trình thu gom, xử lý CTR sinh hoạt điển hình tại Việt Nam (WB, 2018).
Phương pháp chôn lấp rác vẫn là phương pháp chính để xử lý rác thải sinh hoạt ở nhiều khu vực (chiếm khoảng 63-65% lượng CTR sinh hoạt xử lý), tiếp theo là công nghệ đốt không thu hồi nhiệt. Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2019, cả nước có khoảng 1.322 cơ sở xử lý CTRSH. Các cơ sở xử lý CTR này đã đầu tư 381 lò đốt CTRSH (77% có công suất trên 300kg/h), 37 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 904 bãi chôn lấp CTRSH (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh). Các công nghệ hiện đại như điện rác mới chỉ có 01 dự án chính thức đưa vào vận hành tại Cần Thơ (công suất 400 tấn/ngày đêm) và một số dự án điện rác khác đang thực hiện (trong đó có nhà máy điện rác tại Hà Nội - công suất 4000 tấn/ngày đêm mới đưa vào vận hành một phần).

Hình ảnh