Nghiên cứu được thực hiện bởi dự án “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam”, cơ quan chủ trì Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ dự án là Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam (văn phòng 33). Kết quả nghiên cứu được trình bày ở báo cáo hiện trạng ô nhiễm dioxin trong môi trường Việt Nam xuất bản tháng 11/2014.
“Ở báo cáo này, lần đầu Việt Nam thừa nhận ngoài dioxin có nguồn gốc chiến tranh còn có dioxin phát thải từ hoạt động công nghiệp”, ông Lê Kế Sơn, Giám đốc dự án, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Trong đó, hoạt động thiêu đốt rác thải gồm các lò đốt rác thải công nghiệp, lò đốt xử lý rác thải y tế là hoạt động phát sinh dioxin nhiều nhất, thể hiện qua hàm lượng dioxin và hợp chất có độc tính giống dioxin (gọi tắt là DRCs) trong khí thải và nước thải của các nhà máy này. Hàm lượng dùng để đo nồng độ DRCs là Hàm lượng TEQ.
Tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu của dự án lấy ba mẫu khí thải của một lò đốt rác thải công nghiệp và bốn mẫu khí thải của một lò đốt công nghiệp và y tế. Kết quả 3/7 mẫu khí thải có nồng độ DRCs vượt mức cho phép theo QCVN 30:2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về lò đốt công nghiệp.
Mẫu cao nhất có hàm lượng TEQ 9800 pg/Nm3, vượt 16 lần mức cho phép (600 pg/Nm3). Ở TPHCM, ba mẫu khí thải của một lò đốt rác công nghiệp và sinh hoạt và ba mẫu của một trạm xử lý chất thải nguy hại được phân tích, trong đó một mẫu xấp xỉ nồng độ cho phép, một mẫu vượt nồng độ cho phép khoảng năm lần.
Cá biệt ở Hải Dương trong số ba mẫu khí thải được phân tích của một lò đốt rác thải công nghiệp và một lò đốt rác thải bệnh viện thì có hai mẫu (đều của lò đốt rác thải công nghiệp) có hàm lượng TEQ vượt mức cho phép hàng chục lần, mẫu cao nhất lên tới 46.800 pg/Nm3, vượt 81 lần.
Như vậy, trong số 18 mẫu khí thải của các nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, rác thải đô thị, y tế đều có chứa DRCs. Trong đó 7/18 mẫu có nồng độ vượt quy chuẩn cho phép từ vài lần đến hàng chục lần.
Bên cạnh khí thải, nước thải của các cơ sở xử lý rác thải cũng chứa hàm lượng DRCs cao gấp nhiều lần mức cho phép, nhất là ở TPHCM, có 9/15 mẫu nước thải vượt ngưỡng cho phép từ vài chục, vài trăm đến vài nghìn lần. Việt Nam chưa có QCVN về nồng độ DRCs trong nước thải.
Tuy nhiên nếu áp theo Luật dioxin và tiêu chuẩn phát thải của Nhật Bản là 10 pg/Nm3 thì ở Hà Nội có hai trong số năm mẫu nước thải vượt tiêu chuẩn, một mẫu vượt khoảng 5 lần, một mẫu vượt xấp xỉ 23 lần.
Tại Hải Dương bốn mẫu nước thải của hai công ty xử lý môi trường ở thành phố Hải Dương và huyện Thanh Hà đều có nồng độ vượt mức từ 3 đến 129 lần. Riêng ở TPHCM, trong số năm mẫu lấy từ hai trạm xử lý chất thải nguy hại và một công ty môi trường thì có ba mẫu vượt mức, trong đó một mẫu vượt tới 5.000 lần.
Lo ngại ảnh hưởng sức khỏe
Theo các chuyên gia, nồng độ DRCs cao bất thường trong mẫu khí thải của các nhà máy xử lý nước thải cho thấy đây là hoạt động phát thải chủ yếu dioxin và các hợp chất có độc tính giống dioxin vào môi trường. Nguồn nước thải của các cơ sở xử lý rác thải là một nguồn phát thải dioxin đáng quan tâm. Vì vậy, môi trường xung quanh khu vực lò đốt rác thải có nguy cơ nhiễm dioxin cao.
Hai con đường tác động lớn nhất của dioxin đến sức khỏe là khí thở và thức ăn. Việc khí thải có chứa dioxin ra môi trường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người và các loài sinh vật trong khi việc xả trực tiếp nguồn nước thải nhiễm dioxin ra môi trường mang lại những nguy cơ ô nhiễm dioxin trong nhiều đối tượng như đất, nước, trầm tích, sinh vật. Từ đó thông qua chuỗi thức ăn đến với con người.
Dioxin là một trong những hợp chất độc nhất mà con người biết đến, có khả năng gây ảnh hưởng ở cả các liều tiếp xúc rất nhỏ và ảnh hưởng kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác, thuộc nhóm độc loại một có khả năng gây ung thư cho con người như ung thư phổi, phế quản, ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh về di truyền. Dioxin có tính bền vững, khó phân hủy và tính lan truyền xa trong môi trường.
Dioxin công nghiệp không độc bằng dioxin trong chiến tranh
Trong số các đồng phân của dioxin và hợp chất có độc tính giống dioxin thì chất 2,3,7,8-TCDD là chất độc nhất, có khả năng gây ra nhiều bệnh ung thư, di truyền cho con người. Theo một chuyên gia, hàm lượng chất độc nhất này trong chất độc da cam mà chiến tranh để lại là rất cao (có thể tới 80%) trong khi các mẫu nước thải, khí thải của cơ sở xử lý nước thải đã được phân tích, tỷ lệ chất 2,3,7,8-TCDD có hàm lượng rất nhỏ.