CÔNG BỐ THÔNG TIN QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG TRUNG TÂM QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG MIỀN BẮC - CỤC KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Ngành dệt may và da giày: Những thách thức về môi trường
2024-04-01 14:56:54

Ngày 7/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Khu công nghiệp Lần thứ nhất: Thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghiệp dệt may và da giày - Thách thức và Cơ hội”. Vấn đề về môi trường đối với hai ngành dệt may và da giày được nhiều nhiều chuyên gia, tổ chức quan tâm thảo luận.

Theo Báo cáo tại Diễn đàn, ngành dệt may, da giày đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hai ngành này đã góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp; giải quyết việc làm, tận dụng lợi thế lao động. Đây cũng là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp cho chuỗi giá trị toàn cầu. Thống kê cho thấy, năm 2022, quy mô xuất khẩu của ngành dệt may và da giày Việt Nam lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, các doanh nghiệp dệt may đang đẩy mạnh đầu tư, có những hành động thiết thực cho một tương lai "xanh". Trong tầm nhìn đến 2050, “số hoá” và “xanh hoá” là xu thế tất yếu của ngành dệt may. VITAS xác định “xanh hóa” là tất yếu đòi hỏi sự xuyên suốt được phát động cũng như khuyến cáo các doanh nghiệp trong những năm vừa qua. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường và năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, áp mái…

Cũng theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ngành dệt may của Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) sử dụng rất nhiều tài nguyên nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc quốc gia Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, số lượng các Khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trên toàn quốc và góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân. Hiện nay, Việt Nam có trên 400 KCN, trong đó có khoảng 3.000 nhà máy/nhà cung cấp dệt may tập trung ở phía Bắc, Nam và da giày tập trung ở phía Nam, đóng góp lớn cho phát triển KT-XH, giá trị xuất khẩu chiếm tới 12,52% GDP, doanh thu xuất khẩu 71 tỷ USD (dệt may 44 tỷ USD và da giày 27 tỷ USD) vào năm 2022, thu hút khoảng 4 triệu nhân công. Có thể thấy, ngành dệt may - da giày là một trong các ngành sản xuất quan trọng, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn cũng như tạo nhiều công ăn việc làm nhất trong các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp nếu không có phương án quản lý hiệu quả có thể làm tăng mức độ tác động đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước, khí thải, chất thải và phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam. Ngành dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới về những vẫn đề kể trên – Ông Huỳnh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu từ các nhãn hàng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp…  đã chia sẻ và đề xuất các giải pháp cho các khó khăn thách thức cho các Khu công nghiệp và nhà máy dệt may, da giày.

Hình ảnh