(TN&MT) - Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may đang chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho tiêu thụ năng lượng và chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp, phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tập huấn về kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực dệt may, do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 8/11, tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhận định, việc kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực dệt may và đề xuất giải pháp giảm phát thải là việc làm cần thiết, giúp các doanh nghiệp phần nào bắt kịp xu thế thị trường, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo
Các nghiên cứu cho thấy, ngành công nghiệp thời trang được ước tính chịu trách nhiệm cho 6-10% lượng khí thải các-bon toàn cầu, tương đương khoảng 1,7 tỷ tấn các-bon. Do nhu cầu về quần áo ngày càng tăng và sự phát triển của xu hướng “thời trang nhanh”, nên dự kiến ngành thời trang sẽ chiếm khoảng 25% tổng phát thải các-bon của thế giới vào năm 2050.
Bà Đặng Hồng Hạnh - Chuyên gia kỹ thuật Dự án SPI-NDC chia sẻ: Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ tư trên thế giới, với các thị trường chủ lực là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và EU. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020 là gần 38 tỷ USD. Do đặc điểm của ngành là sử dụng nhiều năng lượng, nguyên nhiên liệu và hóa chất, gây phát thải khí nhà kính cao. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) có “dấu chân các-bon” lớn nhất vì sự thâm dụng nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý.
Hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn (Danh mục trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 18/01/2022).
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, ngành dệt may được đặt mục tiêu và kỳ vọng trở thành ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế theo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Nghị định 06 đã đưa ra lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may, việc cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở. Ngay từ tháng 3/2025, doanh nghiệp sẽ phải gửi số liệu tới các cơ quan quản lý, đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Từ năm 2026, doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch, để tuân thủ hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần triển khai sớm các bước chuẩn bị triển khai kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải, tránh rơi vào tình trạng lúng lúng trong sản xuất, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh, người lao động - ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.
Hoạt động đào tạo, tập huấn là một phần của Dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam” (SPI-NDC), nhằm giới thiệu các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dệt may về kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện các mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Theo ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng Dự án SPI-NDC, với định hướng mở rộng xuất khẩu của ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hiện hữu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang đứng trước áp lực từ các nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng trong vấn đề chứng minh sản phẩm của mình phù hợp với các yêu cầu về phát triển bền vững, đáp ứng bộ chỉ số “Môi trường – Xã hội – Quản trị”, giảm phát thải khí nhà kính.
Ở góc độ toàn cầu, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề cần tính đến trong quản lý rủi ro doanh nghiệp. Hiệu quả cắt giảm phát thải khí nhà kính trở thành một trong những yếu tố mang tính quyết định đôi với cổ đông, nhà đầu tư trong vấn đề đầu tư hay thoái vốn. Việc ngành dệt may chuyển sang trở thành ngành công nghiệp xanh, khử các-bon sẽ góp phần vào mục tiêu khí hậu chung của Việt Nam, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.